Phát triển văn hóa đọc trong gia đình : Đừng để sách là nỗi sợ của con trẻ
27/03/2023
Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Đọc sách giúp nâng cao tri thức, cải thiện kỹ năng và là sợi dây liên kết tình cảm giữa các thành viên. Thế nhưng, phát triển văn hóa đọc trong gia đình hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều bậc phụ huynh chưa dành sự quan tâm đúng mức để hình thành thói quen đọc sách cho con.
Chị Lê Quỳnh Mai (phường Quảng An, Hà Nội) là bà mẹ đơn thân. Do công việc là diễn viên múa, chị thường xuyên phải tập luyện từ sáng sớm rồi đi diễn vào các buổi tối, con nhỏ phần lớn thời gian ở cùng bà ngoại. Vì lẽ đó, chị không dành được nhiều thời gian bên cậu bé mới học lớp 3, giúp con có thói quen đọc sách. Chị Mai lo lắng khi con của chị giờ đây có dấu hiệu sợ đọc sách, luôn lẩn tránh mỗi khi mẹ yêu cầu.
“Trước đây khi con học online ở nhà, tôi không thể đi diễn do dịch Covid-19, tôi đặt mua sách về cho con đọc. Nhưng cứ hễ lấy sách ra là con bất hợp tác, rồi nước mắt ngắn, nước mắt dài. Có lần sau khi hai mẹ con ngồi nói chuyện, con thừa nhận đọc sách không thú vị như xem ti vi, chơi điện thoại”, chị Mai nói và bày tỏ, vì quãng thời gian trước, chị bị cuốn vào công việc nên không có thời gian tạo lập tình yêu đọc sách cho con. Chị thừa nhận, hình thành được thói quen đọc sách từ nhỏ cho trẻ sẽ rất tốt. Vì khi lớn lên, con bắt đầu có những bước phát triển tâm lý riêng và muốn được theo ý mình nên đôi khi rất “khó bảo”.
Chung cảnh ngộ với chị Lê Quỳnh Mai là gia đình vợ chồng anh Hoàng Hữu Quốc và chị Nguyễn Thị Tâm (phường Mỹ Đình 1, Hà Nội). Do đều là giám sát chất lượng nhà hàng nên anh chị cũng rơi vào cảnh đi sớm, về khuya, ít có thời gian cùng con đọc sách. “Gia đình tôi có 2 cháu. Một cháu đang học cuối cấp II. Cháu còn lại đang học lớp 4. Vì hai vợ chồng thường xuyên vắng nhà nên các cháu phải tự giác bảo nhau học. Cũng vì nhiều lúc phải tự lo việc nhà, cháu lớn sắp thi chuyển cấp nên hai chị em ít có thời gian đọc sách cùng nhau. Đôi khi bố mẹ ở nhà, một tuần cũng chỉ có 2 buổi ngồi đọc được với con 15 phút rồi lại bị cuốn vào công việc, liên tục phải nghe điện thoại. Quãng thời gian qua, nhiều sự việc đau lòng xảy ra với lứa tuổi học sinh là hồi chuông cảnh báo với nhiều gia đình. Chính vì vậy, gia đình tôi muốn tách con khỏi các thông tin tiêu cực trên mạng qua việc đọc sách”, chị Tâm chia sẻ. Tuy nhiên, anh chị cũng lo do không tạo lập được thói quen đọc sách cho con từ nhỏ nên cả hai con đều không chủ động cầm cuốn sách. Nhất là với cậu út, đôi khi bé còn khiến anh chị khó xử khi vặn ngược lại: “Đi học con đã phải đọc rồi tại sao về nhà lại phải đọc tiếp?”.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương, người có hơn 70 đầu sách được xuất bản liên quan đến giáo dục, văn hóa đọc… cho hay, qua tìm hiểu thực tế, anh được biết điều học sinh khó chịu nhất hiện nay là việc bố mẹ giục con phải đọc sách nhiều lên, nhưng chính họ lại không làm gương. Ngoài nguyên nhân khách quan bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh, một trong những việc khiến các em khó hình thành được thói quen đọc sách ở nhà là bố mẹ dùng điện thoại thông minh quá nhiều, không dành thời gian đọc sách cùng con.
Để giải quyết vấn đề, diễn giả Lê Hoài Anh, tác giả của nhiều cuốn sách như Trái tim của mẹ, Mỗi ngày 15 phút yêu con khẳng định: “Sách là người bạn vô cùng tuyệt vời giúp nâng cao đời sống tinh thần và nuôi dưỡng tâm hồn cho con cái. Để giúp con yêu sách hơn, mỗi ngày cha mẹ chỉ cần bỏ ra 15 phút để đọc sách cùng con. 15 phút ấy ngoài nâng cao tri thức, còn là quãng thời gian cha mẹ kết nối, thấu hiểu con mình hơn”.
Lấy dẫn chứng cụ thể, diễn giả Lê Hoài Anh cho biết thêm, chị cũng là mẹ của hai con đang học tiểu học. Chị khuyên các gia đình nên nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con càng sớm càng tốt. Nếu gia đình nào còn chưa bắt đầu thì ngay bây giờ hãy cùng con đọc sách trước khi quá muộn. “Cha mẹ nào cũng có thể nuôi dưỡng tình yêu sách cho các con nếu biết kiên trì đồng hành. Hôm nào chồng bận thì vợ có thể thay thế hoặc nhờ ông, bà. Qua các buổi đọc, ngoài chuyện nâng cao tri thức, tôi còn hiểu thêm về tâm lý của con hơn. Những bất ổn ở độ tuổi mới lớn, những câu chuyện khó nói đều được con dễ dàng chia sẻ với bố mẹ”, nhà báo, diễn giả Lê Hoài Anh nói.
TS Vũ Dương Thúy Ngà (nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL) bày tỏ, phụ huynh không nên bắt trẻ phải đi học thêm quá nhiều hoặc phải phụ giúp gia đình hết thời gian ngoài giờ ở trường. Thay vào đó, phụ huynh nên cân đối, bố trí khoảng 15-30 phút đồng hành cùng con qua từng trang sách mỗi ngày. Nếu có điều kiện, có thể cho con khoảng 1-2 giờ để đọc sách in truyền thống hoặc sách báo điện tử.
Bên cạnh đó, TS Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh: “Nếu ông bà, cha mẹ ham đọc sách và đọc có phương pháp, hằng ngày dành thời gian hướng dẫn trẻ đọc thì những lời dạy bảo mới thực sự có giá trị, hiệu quả. Người lớn trong nhà đều đọc sách, tự nhiên con trẻ cũng sẽ đọc mà không cần nài ép, bắt buộc”.
(Theo Báo Văn Hoá)
Nổi bật
Chiều ngày 20/05/2023, tại khoá tu...
12/07/2023
27/03/2023
Chánh niệm Ngày càng có nhiều...
27/03/2023
27/03/2023