Dạy Phật pháp cho trẻ em

27/03/2023

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật đề cao sự giáo hóa và xem đó mới đích thực là thần thông trong đạo Phật, chứ không phải là thần thông biến hóa, phù phép lạ lùng vốn được nhiều người ngưỡng mộ và ưa chuộng. Với Ngài, một vị thầy vĩ đại, bằng con đường giáo dục, giúp người khác chuyển hóa đời sống khổ đau, bức bách, bất an thành đời sống hạnh phúc, tự tại, bình an mới thật sự là phép mầu. 

Hiểu được thâm ý của Đức Phật, người Phật tử chân chánh không những biết ứng dụng Phật pháp trong đời sống của mình mà còn hướng dẫn người khác thực hành pháp để sống bình an và hạnh phúc như mình. Đây là cách mồi đèn cho ánh sáng Phật pháp được lan tỏa đến nhiều người, góp phần nuôi dưỡng Chánh pháp tồn tại lâu dài ở nhân gian thông qua con đường giáo dục.

Đừng đợi trẻ lớn rồi mới dạy

Giáo dục Phật giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người tu học Phật. Đối tượng giáo dục hẳn nhiên là con người ở mọi lứa tuổi thuộc mọi giai tầng của xã hội. 

Tuy nhiên, trong mô hình hoằng pháp hiện tại ở Việt Nam, các mô hình giáo dục Phật giáo chú trọng quá nhiều đến người trưởng thành qua các lễ hội văn hóa Phật giáo, khóa tụng niệm hàng đêm, các khóa tu định kỳ, các buổi thuyết giảng theo lịch, các băng đĩa tụng kinh, giảng pháp phổ biến trên mạng inernet, các chuyến đi từ thiện… chủ yếu tổ chức dành cho người lớn. Vậy thì thế hệ trẻ khi nào mới là lúc thích hợp nhất để tiếp cận đạo Phật?

Các nhà tâm lý giáo dục, từ các nhà phân tâm học như Sigmund Freud, Carl Jung, Alfred Adler đến các nhà tâm lý học hành vi như I.P. Pavlov, B.F. Skinner hay các nhà tâm lý học nhân cách như Carl Rogers và Abraham Maslow hoặc các nhà tâm lý xã hội như Jean Piaget, L.S. Vygotsky đều đồng ý rằng con người ở tuổi nhỏ sẽ tiếp thu kiến thức và các kỹ năng nhanh nhạy hơn và quá trình học diễn ra dễ dàng hơn so với tuổi lớn. Như vậy, giáo dục Phật giáo cũng cần định hướng phổ cập kiến thức và kỹ năng thực hành cho trẻ em song song với các chương trình dành cho người trưởng thành. Đợi các em trở thành người lớn rồi mới hướng dẫn cách sống đầy nhân bản của đạo Phật, e rằng quá trễ. 

Khi xác định đạo Phật là kỹ năng và nghệ thuật sống tỉnh thức, sống bình an và sống hạnh phúc thì việc giáo dục đạo Phật cho trẻ em từ thuở bé là điều vô cùng cần thiết, vì các kỹ năng này được huân tập càng sớm càng tốt. 

Nhiều phụ huynh Phật tử có quan niệm rằng, hồi xưa, có ai hướng dẫn mình đâu, giờ mình cũng biết tu vậy, cứ nuôi con lớn, khi đó, nó sẽ tự chọn tôn giáo nào để theo, mình không nên và không thể can thiệp. Nghĩ như vậy là bỏ đi cơ hội học đạo quý báu của thế hệ trẻ. Nếu cứ để mỗi người tự tìm lấy con đường đi của mình, việc gì ngay sau khi thành đạo, Đức Phật phải khẩn thiết khuyến tấn chư Tỳ-kheo “Hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá Chánh pháp” (Đại phẩm 19-20, Luật tạng).

Tôi thiết nghĩ giáo dục Phật pháp cho trẻ em cần được các bậc phụ huynh trong gia đình Phật tử quan tâm đặc biệt, vì gia đình – nơi các thành viên có quan hệ huyết thống gần nhất dành cho nhau nhiều thời gian và tình cảm yêu thương – là môi trường giáo dục tốt nhất cho các em, nhất là về phương diện tinh thần và tâm linh. Với vị trí của phụ huynh, ta đưa con em mình đến với đạo Phật như thế nào? Bài viết này sẽ đưa ra vài gợi ý cho vấn đề này.

Dạy gì?

Tất nhiên là dạy Phật pháp, những lời Đức Phật dạy được lưu giữ trong các tạng kinh và được người tu học Phật, tại gia cũng như xuất gia, để ứng dụng trong cuộc sống của mình. Thế nhưng, không thể đem nguyên xi giáo lý cao siêu đầy tính triết học của đạo Phật để nói với tuổi trẻ, vì khả năng hiểu và tiếp thu của các em giới hạn theo lứa tuổi và đang dần phát triển và hoàn thiện theo thời gian. Do đó, để có quá trình giáo dục đạt hiệu quả cao nhất, đơn giản hóa và cụ thể hóa giáo lý đạo Phật để truyền đạt cho thế hệ trẻ là điều cần thiết.

Giảng giáo lý căn bản bằng ngôn ngữ dễ hiểu

Theo học thuyết của J.Piaget, mỗi lứa tuổi có đặc trưng riêng về chất lượng trí tuệ và những đặc trưng của mỗi một giai đoạn phát triển tương ứng với độ tuổi của trẻ. Khả năng trí tuệ của các em được phát triển ngày càng cao và phong phú hơn.Trên cơ sở đó, các em hiểu được các khái niệm phức tạp và trừu tượng hơn khi tuổi tăng dần. Như vậy, trẻ em nhỏ tuổi chỉ có khả năng suy nghĩ cụ thể, nhận thức trực quan mà hạn chế trong việc nắm bắt các khái niệm trừu tượng. 

Do đó, để hướng dẫn giáo lý đạo Phật cho các em, phụ huynh cần linh động ứng dụng trong đời sống thực tế bằng một giáo lý đã “chế biến” nhưng không pha tạp, chứ không thể đem nguyên văn những gì được ghi trong kinh sách ra rao giảng với các em. Ví dụ giáo lý nhân quả sẽ được các em tiếp nhận và thực hành nếu chúng ta phân tích để các em hiểu mối tương quan giữa hành động và kết quả tương ứng qua những ví dụ rất cụ thể, rằng, “nếu con siêng năng và học giỏi, con sẽ được kết quả tốt trong học tập; nếu con ngoan, con được cha mẹ và thầy cô giáo yêu thương; nếu con nhường nhịn, hòa nhã với bạn bè, con được bạn bè yêu thích và con sẽ có nhiều bạn; nếu con thật thà không lấy cắp đồ dùng học tập của bạn, con được mọi người quý mến…”. 

Với cách này, chúng ta có thể tập cho các em có thói quen nghĩ đến kết quả trước khi hành động. Một khi thuần thục trong nếp sống ấy, các em sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc trong cuộc sống. Đây chính là cốt tủy của giáo lý nhân quả mà Đức Phật muốn nhắn gởi chúng ta: hãy nghĩ đến hậu quả trước khi hành động để tránh đau khổ cho mình và cho người.

Một phụ huynh Phật tử kể lại rằng, cô đã thành công trong việc dạy pháp Tứ đế cho đứa con gái 6 tuổi. Mới nghe có vẻ hài hước, nhưng đó là sự thật. Cô kể lại, một hôm nọ, do vừa nhận được bộ đồ mới từ một người bà con vừa gởi tặng, bé xúng xính mặc thử rồi khoe mọi người, thế là thức khuya hơn mọi ngày, sáng hôm sau, đến giờ mà không chịu dậy. Khi ba bé vào phòng gọi dậy, trong trạng thái nửa ngủ, nửa thức, bé phụng phịu giận ba. Thế là mẹ vào, ngồi đối thoại với bé. 

Cuối cùng, người mẹ đã giúp bé hiểu ra, sáng nay bé không sảng khoái, nên bực bội (khổ); do tối qua ham khoe đồ mới, đến giờ ngủ mà không chịu ngủ (tập), vậy mà giận ba là không đúng; thế nhưng trạng thái uể oải sẽ qua đi, bé trở nên hoạt bát như mọi ngày thôi (diệt); bé không nằm nán nữa mà ra khỏi giường, chạy lại xin lỗi ba, hứa sẽ không thức quá khuya nữa. Nói rồi bé chạy ra sân, hít thở khí trời buổi sáng trong lành, trở nên năng động và vui vẻ để bắt đầu một ngày mới (đạo). Người mẹ kể lại với tôi mà trong ánh mắt còn ngời lên niềm hạnh phúc vì đã bắt đầu biết cách dạy Phật pháp cho con theo cách đơn giản và bình dân như vậy. 

Tôi cũng vui theo khi cô biết dùng các chữ “khổ, tập, diệt, đạo” khi kể lại câu chuyện và ứng dụng khá linh hoạt trong tình huống thực tế của mình.

Tập hành thiền chánh niệm

Nói đến hành thiền, nhiều người nghĩ phương pháp này dành cho các thiền sư, hoặc người xuất gia, hay ít ra, những người Phật tử trưởng thành mới có thể thực hành. Đây là một cách nghĩ lệch lạc làm cho phương pháp định tâm này chưa được phổ biến rộng rãi ở các nước phương Đông, ngay ở các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời. 

Thông thường, người phương Đông tiếp cận Phật giáo đầu tiên qua phương diện cung kính và cúng dường, trong khi đó, người phương Tây tiếp cận Phật giáo đầu tiên qua việc thực hành thiền. Do vậy, cho dù mới bén rễ trên mảnh đất phương Tây xa lạ trong thời gian không lâu, hành thiền trở thành một nếp sống cho nhiều người phương Tây, kể cả những người không theo Phật giáo. Trên cơ sở này, hướng dẫn thiền cho trẻ em cũng được người phương Tây chú trọng hơn mà chúng ta lại yếu và thiếu, trong khi phụ huynh Phật tử ở các nước phương Đông có nhiều lợi thế hơn để làm việc này. 

Ở Việt Nam chẳng hạn, chúng ta có truyền thống Phật giáo lâu đời và hình ảnh người tu, chùa chiền chẳng hề xa lạ với một đứa trẻ, nên việc các phụ huynh Phật tử đưa trẻ em hòa nhập vào môi trường đạo Phật có thể diễn ra dễ dàng và tự nhiên hơn nếu biết cách. 

Thêm vào đó, mối liên hệ giữa các thành viên gia đình ở các nước phương Đông rất gần gũi và thân mật. Nếu biết khai thác thế mạnh này, ta có nhiều cơ hội để dạy trẻ em thực hành thiền định. Tiếc rằng chúng ta chưa tận dụng được những thuận lợi này để dạy các em hành thiền, trong khi đó, người phương Tây không có được những thuận lợi như vậy mà họ lại thành công hơn ở phương diện này.

Trẻ em chưa đủ ý thức và nhất là không thể kiên trì khoanh chân lim dim mắt ngồi yên như người lớn được, vì đặc tính của tuổi trẻ là năng động, hiếu kỳ và nhanh chán. Chúng ta phải có cách linh hoạt hơn để đưa các em vào các hoạt động với sự hỗ trợ của các hình ảnh trực quan sinh động trong đó đòi hỏi các em phát huy kỹ năng chú tâm, quán sát và cảm nhận cảm xúc của mình trong thời điểm hiện tại. Nói đến sách hướng dẫn thiền cho trẻ em, tuyệt vời nhất phải kể đến cuốn Moody cow meditates của Kerry MacLean được các trung tâm thiền và trường học cũng như gia đình phương Tây ứng dụng để hướng dẫn thiền cho các em thiếu nhi. 

Ví dụ điển hình nhất trong cuốn này được nhiều người đón nhận là ta lấy nước đổ gần đầy một chiếc lọ thủy tinh trong suốt có nắp đậy. Giở nắp ra, cho vào đó khoảng một muỗng cà-phê hạt kim tuyến loại hạt lớn (còn gọi hạt long lanh, loại hạt nhiều màu sắc tạo nên sự lấp lánh), rồi lắc đều. Dưới ánh sáng mặt trời, các hạt kim tuyến sáng rực, long lanh lơ lửng trong nước thành một hỗn hợp đủ màu sắc rất đẹp, rồi trong vài phút, các hạt này dần lắng xuống đáy lọ. Cho các em quan sát quá trình chuyển động hỗn độn rồi dần lắng xuống của những hạt kim tuyến và yêu cầu các em liên tưởng đến quá trình nổi loạn rồi dần lắng các cảm xúc trong lòng mình thế nào.

Tôi từng hướng dẫn vài phụ huynh Phật tử thí nghiệm quá trình này với con của họ và kết quả thật đáng khích lệ: các em rất thích quan sát quá trình này, có khả năng nhận biết cảm xúc của mình, ghi nhận chúng và rút ra bài học trong tương lai về cách quán sát và nhận diện cảm xúc của mình. Một phụ huynh kể lại, có lần đứa con học lớp 3 của chú ấy về nhà với vẻ mặt tức tối, rằng bị bạn ở lớp trêu chọc, kêu tên cha mẹ của bé ra, bé tức quá. 

Chú ấy hỏi, “Vậy con muốn làm gì bạn?”.Bé trả lời, “Con muốn đục vào mặt tụi nó mấy cái cho hả tức, con muốn hét vào mặt chúng ‘đồ mất dạy’…”. Chú ấy bình tĩnh nói, “Nhưng bây giờ, trước mặt con là ba nè, đâu có bạn con ở đây mà tức. Thôi, lại đây chơi cái này với ba…”. Thế là chú ấy soạn những thứ cần thiết (tôi đã nêu ở trên) đã chuẩn bị theo sự gợi ý của tôi trước đó và đợi có cơ hội sẽ thực hiện. Chú ấy thao tác, bảo bé hít thở sâu và quan sát hiện tượng các hạt kim tuyến chạy loạn xạ rồi dần lắng xuống, nước dần trong trở lại. Đứa bé chăm chú quan sát một cách thích thú mà quên đi cơn giận, vẻ mặt cau có đã thay bằng nụ cười. 

Người cha hỏi, “Con thấy lòng con có giống vậy không?”. Đứa bé đồng ý là lòng em lúc nãy cũng chao đảo không khác những hạt kim tuyến này, rồi các giận dữ, bực bội dần chìm sâu xuống và tâm dần bình yên hơn, cũng giống như những hạt kim tuyến dần lắng xuống đáy lọ. Sau trò chơi này, bé cũng hết giận đứa bạn kia và cũng bỏ hẳn ý định “đục vào mặt” cho hả tức, cũng không còn muốn “hét vào chúng” nữa. Sau đó, mỗi lần bé tức giận, ba của bé thường nhắc bé “chiếc lọ kim tuyến của lòng con sao rồi?”, nhờ đó, bé nhanh lấy lại thăng bằng và trở về trạng thái bình thường.

Tôi tin chắc thực nghiệm về chiếc lọ kim tuyến này, ngay cả người lớn còn thích thú, huống nữa trẻ em! Tương tự như vậy, sáng kiến và linh hoạt của các bậc phụ huynh sẽ góp phần khai thác nguồn tài liệu vô cùng phong phú trong cuộc sống đời thường để làm đề tài cho các em tập chú tâm, định tâm và lắng nghe cũng như nhận diện cảm xúc của lòng mình trong hiện tại.

Dạy trẻ những phẩm chất và hành vi tốt

Học và thực hành theo giáo lý đạo Phật, người Phật tử có nhiều chuyển biến tích cực, các phẩm chất và hành vi tốt ngày càng được nuôi dưỡng và phát huy. Giáo lý đạo Phật dạy con người tinh thần trách nhiệm bản thân, tự tin, tự chủ, thành thật, tôn trọng sự sống và yêu thương người khác, tha thứ, hỷ xả, rộng lượng, điềm tĩnh, cân bằng và thận trọng trong suy nghĩ và hành động. 

Một khi cha mẹ đã thấm nhuần các phẩm chất tốt này rồi, việc làm gương và dạy con nuôi dưỡng các phẩm chất ấy không còn là vấn đề khó khăn. Khi giảng giải những giáo lý căn bản cho các em qua các tình huống đời thường, chúng ta lồng vào đó những lời khen tặng, nhắc nhở, động viên các em làm việc tốt, tránh việc xấu và phân tích để các em nhận thức rõ mối tương quan nhân quả trong hành động của chính mình.

Ví dụ bảo các em không giết hại sinh mạng con vật theo cách kinh điển khô khan, có thể không thuyết phục được. Thế nhưng, trong từng tình huống cụ thể, nếu ta biết cách vận dụng lời Phật dạy về việc giết hại, các em nhận thức rất tốt và có thể thực hành vấn đề này. 

Có lần người Phật tử than với tôi, có đứa con trai 7 tuổi, ưa bắt chim sẻ con vừa mới tập bay, sau đó để chết, cô cảm thấy xót. Bé cứ canh chừng, có chú chim nào tập bay, mất thăng bằng rơi xuống đất là bé chụp ngay, bỏ vào lồng. Chừng vài ngày sau là chim chết vì bé không biết cách chăm. Người mẹ này muốn khuyên con bỏ cách chơi này mà khi bảo con đừng làm thế, con chuyển việc bắt giữ chim con từ công khai sang lén lút. Tôi chỉ cách và người Phật tử ấy làm theo. Khi nói chuyện với con, người ấy khơi dậy tình thương yêu gia đình bằng những lời đối thoại qua lại giữa hai mẹ con, đem hoàn cảnh nó để so sánh với mình. 

Cuối cùng, thằng bé hiểu ra, mất chim con, ba mẹ chim rất buồn, rất khổ vì nhớ thương con, cũng như ba mẹ bé mỗi khi đi xa buồn nhớ bé vậy. Thế là từ đó, thằng bé không còn bắt nhốt chim nữa, vì sợ ba mẹ chúng buồn. Có lần thấy cặp bồ câu nhà hàng xóm thường đến đậu trên cây trong vườn nhà bé, bé bảo ba mẹ làm nhà cho bồ câu ở, kẻo khi trời mưa ướt lạnh, ba mẹ bồ câu buồn. Như vậy, em bé 7 tuổi đã làm được điều Phật dạy, rằng:     

 “Ai cũng sợ gươm đao

 Ai cũng sợ sự chết

 Suy ta ra lòng người

Chớ giết, chớ bảo giết”.

(Pháp cú 129)

Các phẩm chất đạo đức khác cũng cần được dạy theo cách tương tự. Thông qua tình huống thực tế, bằng ngôn ngữ dễ hiểu, phụ huynh nên giải thích thật đơn giản những gì cần học ngang tầm hiểu biết và nhận thức của các em để chúng tiếp nhận dễ dàng hơn. Với cách học này, những phẩm cách cần nuôi dưỡng dần được khắc sâu vào tâm trí trẻ thơ. 

Khi giải thích về tương quan nhân quả giữa hành động và kết quả tương ứng, ta nhấn mạnh trách nhiệm bản thân đối với hành động của chính mình để trẻ em dần huân tập tinh thần trách nhiệm. Như một người giáo viên thông minh và khéo léo, tất cả những vật dụng có sẵn trong phòng học đều trở thành đồ dùng dạy học để tiết học hiệu quả và lý thú; với người Phật tử sáng tạo và linh hoạt, tất cả các sự kiện, hoạt động trong cuộc sống đời thường đều có thể trở thành bài học lý thú cho các em nếu biết tận dụng cơ hội.

Thông qua các hình thức giáo dục nào?

Để giới trẻ thấm nhuần tinh thần giáo lý đạo Phật trong đời sống và biết thực hành thiền, chúng ta cần đưa Phật pháp vào đời qua nhiều hình thức khác nhau để hiệu quả giáo dục được cao nhất. Trẻ em chóng thích, nhanh chán nên chúng ta cần linh động thay đổi, đan xen và kết hợp các hình thức giáo dục với nhau một cách hợp lý và đúng thời để tránh sự nhàm chán một màu khiến các em mất đi hứng thú. Một số hình thức giáo dục Phật pháp được gợi ý ở đây:

Dạy trẻ em qua các lễ hội Phật giáo và hình ảnh tiêu biểu trong đạo Phật

Đưa các em về chùa, các đạo tràng tu tập và thường xuyên tham gia các lễ hội Phật giáo, qua đó, không bỏ sót một cơ hội nào để các em tiếp cận với giáo lý đạo Phật. Trong lễ Phật đản chẳng hạn, ta lấy gương hạnh của Đức Phật để dạy con em mình rằng, dù là con vua, có cung vàng điện ngọc, tột đỉnh giàu sang, nhưng Ngài không hưởng thụ vinh hoa ấy, mà tìm cách sống đơn giản, bình dân. 

Do vậy, con cũng không nên đua đòi ba mẹ phải mua sắm những gì không cần thiết. Trong lễ hội Vu lan thì nhân đó nhắc các em ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, siêng năng học hành để trở thành con hiếu của cha mẹ. Nhìn tòa ngồi của Đức Phật và các hoa văn có họa tiết hoa sen để dạy các em biết rằng, sen quý vì ở trong bùn dơ mà vẫn đẹp, vẫn thơm; nếu con sống trong trường, trong lớp, chơi với bạn bè cùng xóm, có những bạn nghịch ngợm, chưa ngoan mà con không bắt chước theo, con ngoan ngoãn thì được mọi người thương quý.

Sẽ không có gì sai khi cha mẹ giải thích với trẻ em rằng, hình ảnh Đức Phật ngồi yên, tĩnh lặng là để suy xét lại mình (mặc dù cách giải thích thế này không thật đầy đủ, nhưng chúng ta tiếp tục giúp các em bổ sung kiến thức dần theo thời gian). Chúng ta nói như vậy là để mượn hình ảnh này nhắc con em mình rằng, “Con học theo Ngài, nên thường xuyên suy xét lại mình để thấy, con chịu trách nhiệm việc con làm chứ không phải ai khác”.  Mối tương quan nhân-quả và trách nhiệm bản thân là điều cần nhắc đi nhắc lại thường xuyên với các em. Cứ thế, “mưa dầm thấm lâu”, rỉ rả, nhỏ giọt từng chút, sự nỗ lực của chúng ta chắc chắn sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp.

Đọc truyện, kể chuyện về Đức Phật và Phật pháp

Là người tu học Phật, bên cạnh các câu chuyện đạo đức thông thường dành cho trẻ em, chúng ta có một gia tài quý báu về các câu chuyện kể là cuộc đời Đức Phật, các đệ tử của Ngài cùng rất nhiều câu chuyện trong bộ “Truyện cổ Phật giáo”nhiều tập và đặc biệt là 547 câu chuyện tiền thân. Nếu biết cách, các câu chuyện này là đề tài vô tận để làm nguồn tài liệu trong quá trình giáo dục đạo Phật cho trẻ em. Trẻ em nào cũng mê nghe kể chuyện. Có nhiều bé phải nghe ông bà hoặc cha mẹ kể chuyện mỗi tối như một cách ru ngủ mới chịu. Nếu khéo vận dụng, đọc các mẩu chuyện ngắn chứa đựng giá trị giáo dục, kể các câu chuyện được rút tỉa từ các nguồn kể trên, chọn lọc các chi tiết phù hợp với chủ ý giáo dục của mình, tâm hồn trẻ thơ sẽ dần thấm nhuần tinh thần Phật pháp.

Đối với những câu chuyện chứa đựng bài học đạo đức rõ ràng thì việc truyền đạt nội dung giáo dục tương đối dễ. Như câu chuyện thứ 215 trong chuyện tiền thân chẳng hạn, kể chuyện con rùa không có điều kiện đi xa, được hai bạn ngỗng tốt bụng tìm cách đưa đến tham quan một cái hồ rất đẹp. Chúng nghĩ ra một cách, cả ba cùng ngậm một cành cây, rùa ngậm giữa, hai bạn ngỗng hai bên, để hai bạn ngỗng mang rùa vượt qua sông núi bay đến hồ kia. 

Để an toàn, ngỗng dặn rùa không được mở miệng. Ấy vậy mà khi bay ngang một làng nọ, đám con nít phía dưới thấy ngỗng và rùa cùng bay là một điều lạ, liền la ó. Rùa định mở miệng chửi “chuyện này có dính dáng gì đến tụi mày chứ”, nhưng chưa kịp cất tiếng, nó rơi xuống đất, vỡ tan xác. Đây là hậu quả của người không giữ được cái miệng và các em dễ dàng nhận ra ý tưởng này ngay sau khi nghe câu chuyện. Ta chỉ cần nhắc thêm một tí để ý tưởng được khắc sâu trong tâm trí các em là được.

Thế nhưng, có những câu chuyện cần gợi ý bằng các câu hỏi mở, các em mới nhận ra điều cần học. Chúng ta cần tinh ý hơn mới có thể chọn ra các chi tiết phù hợp để dắt dẫn trẻ em hiểu được phẩm chất tốt các em cần học tập và rèn luyện. Tôi có thể chọn câu chuyện tiền thân số 300, chuyện con sói xảo quyệt, làm ví dụ. 

Chuyện kể có một con chó sói sống trên một phiến đá cạnh bờ sông Hằng. Khi nước lũ tràn về và dâng cao, nó không đi kiếm ăn được. Nó nghĩ,“Ta nằm đây không có gì ăn, tốt hơn ngày nay ta tu bằng phương pháp nhịn ăn”.Nó hứa sẽ giữ đúng lời để tạo công đức tu tập cho nó. Bất chợt, có con dê rừng xuất hiện. Nó nghĩ, “À có con dê rồi, để hôm khác tu nhịn ăn, giờ đói lả mà bỏ miếng mồi ngon thế này thì tiếc quá”. Nó nhảy đến vồ con dê. Trượt mất, dê nhanh chân chạy vào rừng, nó bất lực nằm thở dài, tự nhủ,“Được rồi, dù sao việc tu bằng cách nhịn ăn của ta ngày nay vẫn được giữ trọn vẹn!”. 

Với câu chuyện này, điều chúng ta muốn các em nhận thức rõ là không giữ lời hứa, dù với mình hay với người, đều không tốt. Nếu các em không tự nhận ra, chúng ta cần vài gợi ý nhỏ qua các câu hỏi định hướng dạng mở để các em tiếp cận vấn đề dễ dàng hơn.

Sau mỗi câu chuyện, chúng ta không quên liên hệ thực tế để các em ghi nhớ ý tưởng sâu hơn.Với ví dụ này, chúng ta có thể hỏi các em có khi nào không giữ lời hứa chưa? Đó là những trường hợp nào? Các em có cảm giác thế nào khi không giữ lời hứa? Có khi nào từng là nạn nhân của việc không giữ lời hứa? Cảm giác lúc đó thế  nào? Nếu khéo léo, đây là cách dạy Phật pháp hiệu quả nhất dành cho trẻ em.

Vẽ tranh, tô màu

Trẻ em rất đam mê nghệ thuật.Một hoạt động tất cả trẻ em đều rất hào hứng tham gia là chọn màu phù hợp tô tranh chưa có màu và vẽ tranh. Các em thích nhất là vẽ hình tự chọn. Ban đầu, có thể cho các em tập vẽ, tô màu tranh ảnh liên quan đến Đức Phật và các biểu tượng Phật giáo. Một số hình ảnh trắng đen chưa tô màu được đăng tải trên trang buddhanet.net có thể được sử dụng cho mục đích này. Chúng ta cũng tự phác họa ra nhiều hình ảnh khác cho các em tô màu. Có thể yêu cầu các em quan sát một vật thể hoặc một hoa văn quen thuộc nào đó trong chùa hoặc nhà mình và mô phỏng vẽ lại. 

Có thể cho các em quan sát hình mô tả về các sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật và vẽ lại các hình đó. Với các em trên 10 tuổi, có thể yêu cầu các em vẽ một cảnh thiên nhiên hay một cảnh sinh hoạt đời thường nào đó mà em thích. Có thể yêu cầu các em vẽ chân dung mô tả cảm xúc, các trạng thái khác nhau của mình, như khi vui mừng, lúc giận dữ, khi lo âu. 

Sau đó, cho các em tự nhận xét, so sánh nét mặt mình khi nào đẹp, lúc nào xấu, rồi khuyến khích các em phát triển các trạng thái tâm lý tích cực để có khuôn mặt tươi đẹp và bỏ đi các trạng thái tâm lý tiêu cực nếu không muốn mình trở nên xấu xí. Lúc nào, tâm niệm của phụ huynh cũng hướng về giá trị đạo đức ta muốn “cấy” vào tâm các em mà đừng nên bỏ lỡ cơ hội nào cả.

Tôi chia sẻ một câu chuyện có thật tôi từng trải nghiệm với một em bé 7 tuổi về việc vẽ tranh về cuộc đời Đức Phật. Sau khi kể lịch sử Đức Phật cho bé nghe, tôi yêu cầu bé chọn một hình nào bé thích và vẽ lại. Thế là bé chọn hình con ngựa Kiền Trắc đang tung vó, mang theo Thái tử Sĩ Đạt Ta trên lưng và Sa Nặc bám theo chiếc đuôi. Tôi hỏi bé sao lại chọn hình đó mà không chọn hình khác, bé bảo, “Hình này đẹp, thái tử ngồi trên ngựa trông oai lắm, còn Sa Nặc nắm đuôi ngựa thật tức cười!”. 

Thế rồi khi bắt tay vào vẽ, bé mới cảm nhận hình có nhiều chi tiết quá, nên khó vẽ. Bí quá, bé chạy đến hỏi tôi, “Thế con vẽ thái tử đi bộ được không, đi bộ dễ vẽ hơn cưỡi ngựa, lại còn đeo lủng lẳng ông Sa Nặc nữa, khó quá”. Tôi không nhịn được cười, hỏi bé, “Thái tử trốn vua cha đi tu mà, đi bộ bị bắt lại thì sao?” Bé nói, “Đúng rồi, không được. Vậy con cố gắng vẽ thái tử đi ngựa vậy. Còn ông Sa Nặc đeo theo đuôi ngựa khó vẽ thiệt đó. Con chưa thấy người nào đeo theo đuôi như vậy cả, hay là cho con bỏ ổng ra, để mình thái tử đi được rồi…”. Tôi đồng ý bớt đi chi tiết mà bé gọi là “tức cười” này để nâng đỡ tinh thần em. Thế là một lát sau, em hoàn thành ‘tuyệt tác” của mình, nhìn cũng tạm được.Tôi cảm thấy thú vị với sự nhạy bén và quan sát tinh tế của bé trong việc này.

Các bậc phụ huynh sẽ có niềm vui lớn, thú vị nhiều hơn khi sử dụng cách tô màu, vẽ tranh để truyền đạt thông tin và cảm hứng học Phật nơi trẻ em, đồng thời nâng cao khả năng quan sát và chú tâm, trí sáng tạo và tưởng tượng cũng như kỹ năng diễn đạt ý tưởng qua bộ môn nghệ thuật này.

Quan sát cuộc sống

Thiên nhiên muôn màu chứa đựng nhiều bài pháp rất thâm thúy nếu chúng ta biết nhìn sâu và lắng nghe. Hòa thượng Nhất Hạnh có tập sách “Gieo trồng hạt giống” (Planting seeds), lấy ý tưởng từ sự quan sát thiên nhiên để nhắc khuyên thầy cô giáo và cha mẹ là người có thể chế tác hạnh phúc cho chính mình và gieo trồng hạt mầm hạnh phúc trong những tâm hồn trẻ thơ, ngay trong hiện tại. Nếu được gợi ý bằng những câu hỏi định hướng dạng gợi mở, trẻ em sẽ cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên rất tinh tế, có khi hơn cả người lớn. Có lần một em bé 6 tuổi sau khi quan sát bụi hoa dâm bụt trong một buổi chiều gió nhẹ nói với tôi, “Con thấy bông hoa nhảy múa và cười” khi những đóa hoa có cuống dài này rung rinh trong gió. 

Nếu biết nhìn vạn vật qua hình ảnh và hoạt động của con người như thế, tôi tin chắc các em dễ phát triển tâm từ của mình. Chúng ta có thể giải thích một cách đơn giản về sự sinh trưởng của các loài cây, loài hoa và nhu cầu chăm sóc chúng ra sao, đồng thời liên hệ với con người để thấy rằng, muốn trở thành người tốt, chúng ta cần trau giồi tri thức, đạo đức và nhân cách như bón phân, tưới nước và làm cỏ cho vườn để cây và hoa phát triển. 

Chỉ cần một khu vườn nhỏ đã có thể cho các em nhiều bài học lớn về cuộc sống sinh động đang diễn ra quanh mình. Thế giới chim chóc, động vật cũng phong phú và hấp dẫn còn hơn thế giới thực vật, nếu chúng ta biết cách dẫn dắt các em học Phật pháp thông qua việc tìm hiểu đời sống của chúng thì các bài học sẽ trở nên sinh động vô cùng.

Nếu có dịp, cho các em quan sát cảnh nông dân đang làm ngoài đồng để hiểu rằng, có được hạt cơm chúng ta ăn hàng ngày, người nông dân phải lao động rất vất vả dưới trời nắng nóng, có khi mưa dầm lạnh buốt. Hiểu được nỗi cơ cực của nhiều người, các em sẽ dần tập thói quen tiết kiệm và biết trân trọng, thương yêu tất cả người lao động chân chính. Đưa các em đến thăm và tiếp xúc với những trẻ em bất hạnh hơn mình, như thăm các bạn cùng lứa tuổi ở bệnh viện nhi đồng, các trại mồ côi… rồi bằng cách trò chuyện, gợi mở để đánh động tâm thức thương cảm, chia sẻ với các bạn kém may mắn ấy. 

Đồng thời, nhắc bé cần trân quý những gì bé đang có để không vòi vĩnh mua sắm, hoặc khởi tâm khen chê tốt-xấu, ngon-dở và biết yêu thương chăm sóc mọi người nhiều hơn.

Trong cuộc sống bận rộn này, thời gian là quý với tất cả, nên chúng ta phải biết sử dụng thời gian một cách thông minh. Một trong những cách tiêu xài thời gian đáng giá nhất là chúng ta cần dành thời gian gần gũi, chia sẻ với con em mình để có những trải nghiệm thực tế cùng các em. Đây là cơ hội để trẻ tìm hiểu thế giới quanh mình, hiểu được mối tương duyên, nương vào nhau mà tồn tại và phát triển của vạn vật để biết trân trọng và yêu thương cuộc sống hơn.

Trong sinh hoạt hàng ngày

Chúng ta có thể dạy Phật pháp cho trẻ em thông qua tất cả các tình huống sinh hoạt hàng ngày.Ví dụ ta có thể học cách Đức Phật dạy cậu bé La Hầu La khi mới 7 tuổi về việc không nói dối qua hình ảnh thau nước sạch trước khi sử dụng và ít nước còn lại sau khi sử dụng, không dùng được nữa (kinh Trung bộ số 61) để dạy con em mình cần từ bỏ một hành vi hay phẩm chất không tốt. 

Thêm vào đó, trước hoặc sau bữa ăn chẳng hạn, phụ huynh Phật tử nên dạy con em mình khởi niệm biết ơn khi chúng ta có được các món ăn này do công sức lao động của nhiều người. Khi chúng tỏ vẻ không muốn ăn những món không thích đang bày trên bàn, đừng nóng giận la mắng con trên bàn ăn mà nhẹ nhàng nhắc dạy con em mình hiểu rằng, ở nơi khác, còn nhiều người đang thiếu thốn hơn ta, không có bữa ăn đầy đủ thế này. Khi hiểu được vấn đề, các em không còn chê bai, chọn lựa mà sẽ hài lòng hơn với những nhu cầu cuộc sống. Một nguyên tắc vàng trong việc dạy con là mình làm gương trước, con tiếp bước theo sau. 

Người Phật tử nên hoan hỷ với những món ăn được bày lên bàn, cũng như người tu sĩ hài lòng đón nhận với những gì trong chiếc bát đất thọ dụng mỗi ngày. Nên nhớ bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên là lúc không khí gia đình ấm cúng nhất. Nơi đây, lúc này có thể chia sẻ nhiều thứ và đừng bỏ qua cơ hội này để định hướng con em mình trau giồi nhân cách qua hành động, lời nói và ý nghĩ.

Đơn giản như khi ăn trái cây. Chúng ta khuyên con em mình không nên ăn vội vã, ngấu nghiến cho nhanh xong để rồi chạy đi chơi, hoặc vừa ăn vừa chơi game, vừa ăn vừa đọc sách… mà tham gia trò chơi: ăn chánh niệm, nghĩa là ăn trong sự chú tâm, chậm rãi để thưởng thức từng khoảnh khắc một. Khi ăn trái cây tươi, nhớ đến cách Hòa thượng Nhất Hạnh dạy chúng ta ăn táo: cắn một miếng, ngậm trong miệng một tí để cảm nhận cảm giác mát lạnh, hương vị thơm tho của táo, rồi từ từ nhai và cảm nhận sự vỡ ra của miếng táo, sự tan giòn theo hoạt động nhai của răng… mà hướng dẫn các em thực hành. Trẻ em tiếp nhận và sẵn sàng thực hành theo, đơn giản vì chúng thấy lạ nên thích thú. Lâu nay chúng ăn nhanh, ăn là cách đưa vào dạ dày và miệng chỉ là công cụ mà không hề thưởng thức nên chúng sẽ cảm thấy thú vị với “trò chơi” này. 

Hàng ngày, ta có rất nhiều tình huống để đưa các em vào môi trường tập luyện. Ví dụ cho mỗi em một trái táo tàu khô và yêu cầu các em ngậm vào miệng một lát, rồi ăn từ từ và kể lại cảm nhận của mình. Luyện một thời gian, các em sẽ quen dần với cách ăn“chiêm nghiệm” này, đồng thời khả năng chú tâm và ghi nhận cảm xúc cũng trở thành thói quen tự nhiên ở các em. 

Chúng ta nên thường xuyên giải thích xuất xứ gốc của các loại trái cây, quá trình gieo trồng và chăm sóc cho đến khi thành sản phẩm là món mà chúng ta đang dùng để các em hiểu được mối liên quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và con người, giữa con người và vạn vật trong thế giới cộng sinh này.

Để giáo dục trẻ em hiệu quả hơn

Chúng ta không cần và không nên dạy giáo lý đạo Phật cao siêu theo kiểu rao giảng cho trẻ em ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này. Điều cần thiết là một cách chủ tâm, chúng ta“ươm, cấy” vào trong tâm các em những hành vi và phẩm chất cao quý cần có của người Phật tử thông qua các môi trường giáo dục khác nhau như đã trình bày ở trên. Cần phải xuyên suốt và nhất quán hướng về các phẩm chất này như là tâm điểm và xuyên qua mọi hoạt động thường ngày, tận dụng mọi môi trường giáo dục để xâu kết, hướng các em về tâm điểm này. Để quá trình này diễn ra hiệu quả hơn, chúng ta cần:

Hiểu rõ tâm lý trẻ

Đức Phật thành công trong sự nghiệp giáo dục của Ngài khi đem giáo pháp dạy cho tất cả các thành phần dân chúng trong một xã hội phân chia giai cấp như Ấn Độ cổ xưa vì Ngài hiểu rõ con người và cuộc sống của họ. Học từ cách giáo dục này, chúng ta cũng nên tìm hiểu tâm sinh lý, thói quen, tính cách của con em mình để việc giáo dục Phật pháp trở nên nhẹ nhàng hơn, thú vị hơn và có kết quả nhiều hơn.

Yêu thương trẻ

Tình thương yêu là chìa khóa để chúng ta có thể làm bất cứ điều gì vì lợi ích chính đáng cho con em mình. Giáo dục Phật pháp cũng vậy, cần rất nhiều lòng thương yêu và thiện chí của các bậc phụ huynh, để không mệt mỏi, nản lòng trên chặng đường dài song hành cùng con em mình trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Với tình thương yêu và sẻ chia với con em mình như một người bạn, chúng sẽ tìm được tiếng nói chung với chúng để cùng nhau thực hành lời Phật dạy.

Tận tâm và tận lực

Ghi nhớ lời Phật dạy, “Pháp thí hơn mọi thí” (Pháp cú, 354), các bậc phụ huynh Phật tử luôn nhắc mình, dạy pháp cho trẻ em là điều cần thiết. Đây là một trách nhiệm của người làm cha mẹ với con cái và cũng là nhiệm vụ của người Phật tử đi trước đối với người đi sau để duy trì ngọn đèn Chánh pháp ở thế gian. Cần tận tâm toàn ý với công việc thiêng liêng này để mỗi ngày trôi qua, chúng ta cảm nhận cuộc sống tròn đầy và nhiều ý nghĩa. Một đứa con ngoan là cả một gia tài vô giá của cha mẹ. Một khi con em chúng ta được thấm nhuần đạo Đức Phật giáo từ bé, các phẩm chất tốt đẹp được ươm mầm và tưới tẩm hàng ngày, chúng ta sẽ yên tâm hơn khi chúng trưởng thành và tự tin bơi ra biển lớn của xã hội.

Những gì trình bày trên đây chỉ là vài gợi ý dành cho các bậc phụ huynh Phật tử muốn đưa giáo pháp đạo Phật vào cuộc sống tuổi trẻ. Tôi tin chắc sự tận tâm, tận lực, kiên trì của các bậc phụ huynh để ươm trồng giống lành vào tâm hồn trẻ thơ của con em mình sẽ được đền bù xứng đáng. Cùng với sự ứng dụng hành trì Phật pháp trong cuộc sống của người Phật tử, gia đình sẽ bình yên, hạnh phúc viên mãn hơn nếu con em mình nhờ thấm nhuần tinh thần Phật pháp mà trở nên tốt hơn. 

Thật là sai lầm nếu bạn bỏ bê con em mình để bon chen trên vạn nẻo đường đời với suy nghĩ dốc sức làm giàu để của cải cho con hạnh phúc. Thay vì tiền bạc, dành thời gian chia sẻ, đồng hành cùng các con để mọi thành viên trong gia đình cùng sống theo tinh thần Phật pháp sẽ đem lại hạnh phúc nhiều hơn và bền vững hơn. 

Tôi xin mượn câu nói của Abigail Van Buren có lần tôi đọc được trên một tấm pa-nô trang trí trong phòng tiếp phụ huynh tại một trường tiểu học ở Ấn Độ để khép lại bài viết này:“Nếu muốn con em bạn trở nên tốt đẹp, hãy dành gấp đôi thời gian các bé cần và chỉ cho một nửa số tiền chúng muốn” (If you want your children to turn out well, spend twice as much time with them, and half as much money).

Mong rằng các bậc phụ huynh biết sử dụng thời gian khôn ngoan, nỗ lực và tận tâm hơn trong việc dạy Phật pháp cho trẻ em trong gia đình mình.

(Theo Thư viện Hoa sen)